Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Các loại vi khuẩn, virus gây bệnh đau mắt đỏ thường dễ lây lan qua chất tiết, đường hô hấp trên. Do đó đau mắt đỏ lây sang người xung quanh qua đường tiếp xúc và đường hô hấp chẳng hạn như:
1. Tiếp xúc với người nhiễm
Tiếp
xúc trực tiếp với người mắc bệnh qua đường dịch mắt, nước mắt,… của họ tiết ra, vô tình chạm vào tay người bệnh khiến virus có cơ hội lây sang người khỏe mạnh.
2. Không khí do ho và hắt hơi
Khi tiếp xúc với người bệnh vô tình họ hắt hơi hoặc ho, nước bọt mang mầm bệnh lây sang người khỏe mạnh, khiến virus chuyển từ vật chủ sang cá thể mới.
3. Dùng chung đồ vật với người đang nhiễm bệnh
Tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, chạm vào những vật dụng như: tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, đồ chơi…. bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh viêm kết mạc.
Ngoài ra, việc dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (khăn mặt, chăn gối, ly uống nước,…) cũng khiến cho virus lây truyền dễ dàng.
Vì đau mắt đỏ chưa có vaccine, chưa có thuốc đặc trị và dễ bị tái phát và đặc biệt mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và chính người vừa hết bệnh có thể là nguồn lây trong vòng 1 tuần sau khỏi bệnh. Vì vậy, nên tuân thủ các biện pháp ngay cả khi chưa mắc bệnh lẫn người đang mắc bệnh:
1. Người khỏe mạnh
• Đảm bảo vệ sinh cá nhân đúng cách, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn và sau khi cầm nắm những vật dụng dùng chung như nắm cửa, nút bấm cầu thang máy,…
• Hạn chế dùng chung những vật dụng cá nhân: khăn tắm, khăn lau mặt, chậu rửa mặt,…
• Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng kèm nước sạch, phơi khăn nơi có đủ ánh sáng mặt trời để có thể tiêu diệt được một số vi khuẩn gây bệnh.
• Hạn chế dùng tay dụi vào mắt, vì lúc đó, bản thân người khỏe mạnh hoàn toàn không biết tay có mang mầm bệnh hay không, vô tình dụi mắt, tạo điều kiện cho virus gây bệnh đau mắt đỏ lây lan.
2. Người đang bị đau mắt đỏ
Với người đang đau mắt đỏ, việc hạn chế tình trạng lây lan cho người khác vô cùng cần thiết. Người bệnh có thể thực hiện bằng cách sau:
• Rửa tay thường bằng xà phòng, nước rửa tay khô hoặc dung dịch sát khuẩn
• Rửa mắt ít nhất 3 lần/ngày vào các thời điểm: sáng, trưa, tối bằng dung dịch muối pha loãng (0.9% lượng muối).
• Trong thời gian bị đau mắt đỏ, tuyệt đối không được dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn lau mặt, chăn gối với người khỏe mạnh.
• Hạn chế tiếp xúc với người chưa bị tình trạng đau mắt đỏ.
• Hạn chế đến những nơi đông người, vì vô tình bạn sẽ mang mầm bệnh đến cho người khác.
• Tuyệt đối không tự làm “bác sĩ tại nhà” bằng cách dùng những bài thuốc dân gian từ lá trầu, lá dâu… đắp trực tiếp lên mắt.
• Đeo kính râm giúp mắt hạn chế tiếp xúc với ánh sáng vừa giúp bạn hạn chế dụi mắt, giảm thiểu khả năng lây bệnh.
• Nên đi khám bác sĩ khi có các triệu chứng của đau mắt đỏ để được chỉ định điều trị kịp thời, không nên để tình trạng kéo dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
* Nguồn: TTYTDP.